Mỗi năm, nhiều đợt bùng phát sốt xuất huyết xảy ra tại nhiều địa phương – một căn bệnh nguy hiểm do virus Dengue gây ra. Vậy sốt xuất huyết có bao nhiêu chủng? Làm thế nào để phòng tránh hiệu quả?
- Mức acid uric bao nhiêu là bị Gout? Cách khắc phục
- Thực phẩm giàu phytoestrogen có lợi cho phụ nữ mãn kinh
Hãy xem bài viết dưới đây được bác sĩ, giảng viên tại trường Cao đẳng Y dược TPHCM chia sẻ thông tin hữu ích.
1. Sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus Dengue gây ra. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh ở thể nhẹ có thể hồi phục sau khoảng một tuần điều trị. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh diễn tiến nghiêm trọng, cần cấp cứu khẩn cấp. Việc chậm trễ trong điều trị có thể gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong.
1.1. Dấu hiệu nhận biết số xuất huyết
Nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu sau, bạn có thể đã mắc sốt xuất huyết:
- Sốt cao trên 40°C;
- Đau đầu, đau cơ, đau khớp, đau vùng hốc mắt;
- Buồn nôn, nôn mửa;
- Sưng hạch bạch huyết;
- Phát ban toàn thân.
1.2. Sốt xuất huyết thường tiến triển qua ba giai đoạn chính:
Thể nhẹ: Thời gian ủ bệnh từ 4 đến 7 ngày sau khi bị muỗi mang virus đốt. Bệnh nhân thường sốt cao 39-40°C kéo dài 2-7 ngày, ít đáp ứng với thuốc hạ sốt. Các triệu chứng kèm theo gồm đau khớp, đau cơ, nổi mẩn, chán ăn, buồn nôn.
Giai đoạn cảnh báo: Sau khi sốt giảm, bệnh bước vào giai đoạn nguy hiểm. Biến chứng có thể bao gồm giảm tiểu cầu, xuất huyết dưới da, tiểu ra máu, chảy máu mũi, lợi, và thoát huyết tương.
Giai đoạn hồi phục (48-72 giờ): Lòng mạch tái hấp thu dịch, cơ thể hồi phục với các dấu hiệu như đi tiểu nhiều, hết sốt, huyết áp ổn định, và sức khỏe cải thiện.
Nếu nhận thấy các triệu chứng trên, người bệnh không nên chủ quan mà cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
2. Có bao nhiêu chủng sốt xuất huyết và chủng nào nguy hiểm nhất?
Virus Dengue gây ra bệnh sốt xuất huyết được chia thành 4 chủng:
- DEN-1
- DEN-2
- DEN-3
- DEN-4
Mặc dù các chủng này có sự tương đồng về huyết thanh, mỗi chủng vẫn mang đặc điểm kháng nguyên riêng biệt. Tại Việt Nam, cả bốn chủng virus này đều lưu hành rộng rãi, trong đó DEN-1 và DEN-2 là hai chủng phổ biến, luân phiên gây dịch bệnh mỗi năm.
Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh sốt xuất huyết có thể bùng phát ở bất kỳ địa phương nào, do muỗi Aedes sinh trưởng mạnh mẽ quanh năm. Loài muỗi này có thể sống tới 3 tháng trong điều kiện thuận lợi và mỗi lần đẻ từ 100-200 trứng.
Với 4 chủng virus Dengue, một người có thể mắc sốt xuất huyết tối đa 4 lần trong đời. Sau mỗi lần nhiễm, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể đặc hiệu, giúp bảo vệ khỏi cùng một chủng trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ mắc các chủng khác, với triệu chứng nghiêm trọng hơn do hiện tượng miễn dịch chéo.
Hiện chưa có kết luận chính thức về việc chủng nào nguy hiểm nhất, nhưng nghiên cứu lâm sàng cho thấy DEN-2 có độc lực cao nhất, thường dẫn đến sốc phản vệ và tổn thương nội tạng. Tiếp theo là DEN-3, trong khi DEN-1 và DEN-4 chủ yếu gây ra các ca bệnh nhẹ hơn.
3. Làm thế nào để phòng ngừa sốt xuất huyết?
Hiện tại, chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu cho sốt xuất huyết. Vì vậy, mỗi người cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh hiệu quả dưới đây. Dược sĩ Cao đẳng dược chia sẻ gồm:
- Thường xuyên vệ sinh chậu hoa, bình cắm hoa, bể cá; rửa sạch và úp ngược các vật dụng này khi không sử dụng.
- Nếu nuôi thú cưng, thay nước và dọn sạch khu vực sinh sống của chúng hàng ngày.
- Thu gom và tiêu hủy các vật dụng không dùng đến như chai lọ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ xung quanh nhà.
- Định kỳ vệ sinh cống rãnh và hệ thống thoát nước để ngăn chặn muỗi sinh sản.
- Mặc quần áo dài tay để tránh bị muỗi đốt.
- Mắc màn khi ngủ cả ban ngày và ban đêm.
- Sử dụng kem chống muỗi, vợt điện, hoặc các loại thuốc xịt côn trùng.
- Tránh hoạt động tại những nơi ẩm thấp, nhiều cây cối.
- Cách ly người bệnh cẩn thận để hạn chế lây lan bệnh qua muỗi đốt.
Trên đây là các thông tin về các chủng sốt xuất huyết và hướng dẫn phòng bệnh hiệu quả, giúp bạn bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình trước căn bệnh nguy hiểm này. Chủ động phòng ngừa không chỉ bảo vệ cá nhân mà còn góp phần kiểm soát nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng.
Nếu xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị đúng cách. Việc tự ý chữa trị tại nhà có thể khiến bệnh diễn biến nghiêm trọng hơn, đe dọa tính mạng.
Nguồn: Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur