Sử dụng thiết bị điện tử nhiều có thể gây khô, ngứa và mỏi mắt. Nước mắt nhân tạo giúp cải thiện tình trạng này. Tuy nhiên, cần hiểu rõ tác dụng và cách sử dụng đúng để đạt hiệu quả và đảm bảo an toàn cho người dùng.
Bác sĩ, giảng viên Cao đẳng Y dược TPHCM chia sẻ nước mắt nhân tạo là gì và khi nào cần sử dụng?
1. Tác dụng của nước mắt nhân tạo
Nước mắt tự nhiên của con người chứa nhiều thành phần khác nhau, như nước, điện giải, protein, lipid và carbohydrate. Vai trò chính của nước mắt là làm sạch nhãn cầu, tiêu diệt vi khuẩn, giữ cho giác mạc luôn trong suốt và bảo vệ chức năng thị giác.
Khi làm việc lâu với các thiết bị điện tử, căng thẳng, lo âu hoặc nếu chất lượng nước mắt có vấn đề, lớp màng nước mắt sẽ trở nên không ổn định, dẫn đến tình trạng khô mắt. Điều này làm giảm khả năng bảo vệ mắt, khiến người bệnh cảm thấy mỏi mắt, ngứa, có cảm giác cộm trong mắt, mắt đỏ và chảy nước mắt nhiều hơn, đồng thời tầm nhìn cũng bị ảnh hưởng.
Nước mắt nhân tạo được tạo ra để thay thế một phần chức năng của nước mắt tự nhiên. Nó có tác dụng cải thiện tình trạng khô mắt bằng cách cung cấp độ ẩm cho mắt. Với độ nhớt nhất định, nước mắt nhân tạo giúp duy trì độ ẩm lâu hơn, tạo ra một lớp màng bảo vệ trên bề mặt nhãn cầu. Điều này làm tăng lượng nước mắt trên bề mặt mắt, giúp dưỡng ẩm và bảo vệ mắt. Tuy nhiên, để tránh kích ứng, độ nhớt của nước mắt nhân tạo không được cao quá so với nước mắt tự nhiên.
2. Nước mắt nhân tạo phù hợp với ai?
Không phải ai cũng có thể sử dụng nước mắt nhân tạo, sản phẩm này thường được khuyến cáo cho những trường hợp sau:
Người bị khô mắt hoặc các bệnh lý liên quan đến khô mắt, giúp giảm sự khó chịu cho mắt.
Người thường xuyên cảm thấy mỏi mắt, cay xè, rát mắt, hay bị chảy nước mắt hoặc nhìn mờ.
Người cao tuổi hoặc phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh.
Những người làm việc lâu dài với máy tính, điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác.
Những người thường xuyên đeo kính áp tròng.
Người làm việc trong môi trường nhiều gió, bụi bẩn hoặc ô nhiễm không khí, cần sử dụng nước mắt nhân tạo để dưỡng ẩm và bảo vệ mắt, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn và phòng ngừa các bệnh về mắt.
Người đã từng phẫu thuật LASIK điều trị cận thị.
Người mắc các bệnh về kết giác mạc, viêm bờ mi, hoặc các vấn đề về tuyến lệ, có thể dùng nước mắt nhân tạo để hỗ trợ phục hồi giác mạc và điều trị bệnh.
3. Một số loại nước mắt nhân tạo phổ biến
Có rất nhiều loại nước mắt nhân tạo trên thị trường. Dưới đây là một số loại phổ biến:
Optive: Sản xuất tại Mỹ, chứa các thành phần như Carboxymethylcellulose natri 0.5% và Glycerin 0.9%. Nước mắt nhân tạo này thường được sử dụng để điều trị khô mắt, đau hoặc ngứa mắt sau khi phẫu thuật mắt.
Refresh Tears Lubricant Eye Drops: Do công ty Allergan sản xuất, sản phẩm này giúp làm dịu mắt, giảm kích ứng khi mắt tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, ánh nắng, gió, và bảo vệ mắt khỏi các yếu tố bên ngoài.
Poly Tears Drop: Sản xuất tại Thụy Sĩ, loại nước mắt nhân tạo này dùng để điều trị khô mắt. Các thành phần chính bao gồm Dextran 70 0.1% và Hydroxypropyl methylcellulose 0.3%.
Clinitas 0.2%: Sản phẩm từ Italy, chứa Natri Hyaluronate với trọng lượng phân tử cao. Nước mắt nhân tạo này giúp duy trì độ ẩm và ổn định lớp màng nước mắt, thường dùng cho bệnh nhân bị khô mắt, mỏi mắt, cận thị, viêm kết giác mạc, và hỗ trợ điều trị các tổn thương giác mạc, giúp phục hồi sau phẫu thuật mắt.
3. Cách sử dụng nước mắt nhân tạo an toàn
Dược sĩ Cao đẳng dược chia sẻ một số cách sử dụng nước mắt nhân tạo:
3.1. Lưu ý khi sử dụng
– Chọn sản phẩm phù hợp: Mặc dù các loại nước mắt nhân tạo có thành phần khá giống nhau, nhưng nồng độ hoạt chất và chất bảo quản có sự khác biệt giữa các sản phẩm. Hơn nữa, tình trạng khô mắt của mỗi người và mục đích điều trị cũng khác nhau, vì vậy cần chọn sản phẩm phù hợp với từng đối tượng.
– Liều dùng thông thường: Thông thường, người bệnh sẽ nhỏ 1 giọt vào mỗi mắt, từ 3 đến 4 lần mỗi ngày, kéo dài từ 1 đến 3 tháng. Với trường hợp sau phẫu thuật, có thể dùng đến 8 lần mỗi ngày. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, hãy tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
– Cách bảo quản: Nước mắt nhân tạo nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng từ 15 – 30 độ C. Nếu đã mở nắp, sản phẩm có thể sử dụng trong vòng 2 đến 4 tuần. Với dạng tép, nên dùng trong 1 đến 3 ngày, tùy vào loại thuốc và cách bảo quản. Trước khi sử dụng, hãy rửa tay sạch sẽ và tránh mở nắp lọ bằng dao hay kéo để tránh vi khuẩn xâm nhập và giúp bảo quản thuốc lâu dài.
– Khi nào cần ngừng sử dụng: Nếu dung dịch nước mắt nhân tạo bị đổi màu, mất độ trong suốt, quá hạn sử dụng, hoặc nếu lọ thuốc bị hở trước khi sử dụng, bạn không nên dùng sản phẩm.
3.2. Khi nào cần gặp bác sĩ
Mặc dù nước mắt nhân tạo không yêu cầu đơn thuốc, nếu sau khi sử dụng, bạn gặp phải các triệu chứng như đỏ mắt, ngứa, rát, hoặc sưng mắt, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn.
Nguồn: Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur