Thông tin chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và điều trị bệnh dạ dày

17

Dạ dày đóng vai trò thiết yếu trong hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, với áp lực cuộc sống cùng thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống không hợp lý, số người bị bệnh dạ dày hiện nay đang gia tăng.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và điều trị các bệnh lý dạ dày phổ biến. Bác sĩ, giảng viên Cao đẳng Y dược TPHCM chia sẻ gồm:

1. Nhận diện triệu chứng các bệnh lý dạ dày phổ biến

1.1. Viêm loét dạ dày tá tràng

Đây là tình trạng khi niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng bị tổn thương, tạo ra các vết loét. Những tổn thương này gây ra các triệu chứng như:

  • Đau vùng thượng vị khi đói hoặc ngay sau bữa ăn, có thể đau âm ỉ hoặc dữ dội tùy theo mức độ.
  • Cảm giác đầy hơi, ợ chua, và nóng rát ở ngực.
  • Phân có máu hoặc có màu đen.

Nguyên nhân chủ yếu của viêm loét dạ dày tá tràng là sự tấn công của vi khuẩn H. pylori làm hư hại niêm mạc dạ dày, việc sử dụng thuốc kháng viêm không steroid gây kích ứng niêm mạc, và các thói quen sinh hoạt không lành mạnh.

<center><em>Hình ảnh mô phỏng tổn thương niêm mạc viêm loét dạ dày tá tràng.</em></center>
Hình ảnh mô phỏng tổn thương niêm mạc viêm loét dạ dày tá tràng.

1.2. Trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản là một trong những bệnh lý phổ biến liên quan đến dạ dày và thực quản. Bệnh xảy ra khi axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra các triệu chứng như:

  • Cảm giác chua trong miệng hoặc nóng rát từ vùng thượng vị lan lên cổ họng.
  • Đau tức ngực.
  • Cảm giác khó chịu hoặc đau khi nuốt.
  • Ho kéo dài, đặc biệt là vào ban đêm hoặc sau khi ăn.
  • Hơi thở có mùi.

Nguyên nhân chính của trào ngược dạ dày thực quản là do suy yếu cơ vòng thực quản dưới, khiến axit dễ dàng trào ngược lên thực quản. Các yếu tố khác như béo phì gây tăng áp lực lên bụng, thói quen ăn uống nhiều dầu mỡ hoặc nằm ngay sau khi ăn, và stress cũng góp phần vào sự phát triển của bệnh.

1.3. Xuất huyết dạ dày

Xuất huyết dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương dẫn đến chảy máu từ các mạch máu vào trong dạ dày. Đây là một bệnh lý nghiêm trọng cần được cấp cứu ngay để cứu sống người bệnh.

Các triệu chứng thường gặp ở người bị xuất huyết dạ dày bao gồm:

  • Nôn ra máu tươi hoặc máu có màu nâu đen giống bã cà phê, tùy vào mức độ tổn thương.
  • Phân có màu đen và mùi hôi.
  • Mệt mỏi, chóng mặt, và hoa mắt do thiếu máu.
  • Đau bụng dữ dội, đặc biệt là ở vùng thượng vị, kèm theo cảm giác buồn nôn.

Xuất huyết dạ dày thường xảy ra do viêm loét dạ dày tá tràng. Thêm vào đó, việc sử dụng thuốc NSAIDs trong thời gian dài, uống nhiều bia rượu, và các yếu tố khác cũng có thể làm mỏng niêm mạc dạ dày và gây chảy máu..

1.4. Ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày hình thành khi các tế bào ác tính phát triển và nhân lên trong niêm mạc dạ dày. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, khối u có thể phát triển nhanh chóng và di căn sang các cơ quan khác.

Ung thư dạ dày là một trong những bệnh lý nguy hiểm nhất của hệ tiêu hóa, vì sự tiến triển của bệnh có thể rút ngắn thời gian sống của người bệnh. Bệnh thường chỉ được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn với các triệu chứng như:

  • Đau vùng thượng vị, ban đầu có thể đau âm ỉ, nhưng mức độ đau sẽ tăng dần theo thời gian.
  • Mất cảm giác thèm ăn, mệt mỏi, và giảm cân không rõ nguyên nhân.
  • Cảm giác buồn nôn và nôn, thường có máu trong dịch nôn.
  • Phân có màu đen hoặc có máu.
  • Khi khối u phát triển, người bệnh cảm thấy chướng bụng, khó tiêu và có thể nôn ra thức ăn.
  • Nhiễm vi khuẩn H. pylori là một yếu tố nguy cơ gây tổn thương niêm mạc dạ dày và góp phần hình thành ung thư.

Các yếu tố khác như bệnh lý dạ dày mạn tính, di truyền, và thói quen ăn uống không lành mạnh cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh này

2. Các phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh dạ dày

2.1. Phương pháp chẩn đoán

Các bệnh dạ dày thường được chẩn đoán thông qua các kiểm tra cận lâm sàng. Dược sĩ Cao đẳng dược chia sẻ gồm:

– Nội soi dạ dày

Bác sĩ sẽ sử dụng một ống nội soi có gắn camera để đưa qua mũi hoặc miệng, giúp quan sát trực tiếp và phát hiện các tổn thương, vết loét hoặc khối u trong dạ dày.

<center><em>Tình trạng nhân lên của tế bào ác tính gây bệnh ung thư dạ dày</em></center>
Tình trạng nhân lên của tế bào ác tính gây bệnh ung thư dạ dày

– Xét nghiệm H. pylori

Qua các phương pháp như xét nghiệm hơi thở, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân hoặc sinh thiết để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn H. pylori, nguyên nhân chính gây hầu hết các bệnh về dạ dày.

– Chụp cắt lớp vi tính bụng

Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp phát hiện tổn thương, khối u hoặc sự thay đổi cấu trúc của dạ dày.

– Xét nghiệm máu và phân

Các xét nghiệm này giúp phát hiện máu ẩn trong phân, thường liên quan đến xuất huyết dạ dày.

2.2. Phương pháp điều trị

Việc lựa chọn phương pháp điều trị các bệnh dạ dày thường phụ thuộc vào việc bác sĩ xác định nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:

– Thuốc kháng axit: Giúp trung hòa axit trong dạ dày, giảm các triệu chứng như đau rát, ợ chua, và ợ nóng.

– Thuốc ức chế bơm proton: Giảm tiết axit trong dạ dày, thúc đẩy quá trình lành vết loét nhanh hơn.

– Kháng sinh: Dùng trong trường hợp nhiễm vi khuẩn H. pylori.

– Thuốc bảo vệ niêm mạc: Giúp ngăn ngừa tổn thương dạ dày tiếp tục phát triển.

– Nội soi dạ dày: Áp dụng để cầm máu trong trường hợp xuất huyết hoặc loại bỏ các khối u nhỏ.

– Phẫu thuật: Dành cho các trường hợp nặng như ung thư dạ dày hoặc loét dạ dày nghiêm trọng.

– Hóa trị và xạ trị: Được sử dụng cho bệnh nhân ung thư dạ dày để tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn ngừa tái phát.

Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh cũng nên điều chỉnh lối sống, tránh ăn thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ uống có cồn và giảm căng thẳng.

Đối với nhóm bệnh này, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ là rất quan trọng để phát hiện sớm, nâng cao cơ hội điều trị thành công và ngăn ngừa nguy cơ ung thư dạ dày phát triển. Bên cạnh đó, những người có tiền sử gia đình mắc bệnh dạ dày nên chủ động thực hiện việc tầm soát ung thư dạ dày định kỳ để phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm, tăng khả năng điều trị khỏi.

Nguồn: Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur

Bình luận

bình luận

Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh

Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295

Cơ sở Bình Tân: 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân, TP.HCM. Tư vấn: 0799.913.913 – 0788.913.913